
Đâu là sự khác biệt của công nghệ in phun mực chuyển nhiệt Submilation này ?
Nguyên lý kỹ thuật
Mực in thăng hoa – hay còn gọi mực in Submilation được in lên một loại giấy đã xử lý tráng phủ phụ gia hỗ trợ thăng hoa (hỗ trợ cho mực bay hơi đến 99.9% lượng mực có trên giấy)

Giấy đã in hoa văn sẽ được đặt úp ngược lên trên vải , cả giấy và vải này được đưa qua máy ép nhiệt, khi gặp nhiệt độ cao mực in từ giấy sẽ thăng hoa – hay còn gọi là bay hơi với mức nhiệt độ 180 độ C – 400 độ C, mực màu bốc hơi và xâm nhập vào sợi vải, sợi vải polyester hoặc vải pha nylon ở nhiệt độ cao sẽ giãn nở tạo ra các lỗ “nano”(Các cụ nhà ta đã áp dụng công nghệ nano từ cách đây cả 100 năm rồi ấy nhỉ) và cho phép hấp thụ 99.9% các phân tử mực in, khi nhiệt độ vải trở về dưới ngưỡng 180 độ C, các lỗ nano trên sợi vải ngay lập tức co lại và giữ chặt các hạt mực in thăng hoa, chính vì vậy khi ta sờ bề mặt in của vải sẽ không có cảm giác mực in gồ lên, đồng thời độ bền màu có thể gọi là vô đối.

Sự khác biệt
So với in lụa thì in ép nhiệt có các lợi thế:
- Không cần chế bản in – khuôn lụa
- Không phải in lần lượt từng màu riêng rẽ
- Ép cái “chẹp” một cái là hoàn thành sản phẩm luôn.
- In nhanh , lấy liền … nếu “thuận lợi”
Ứng dụng đời sống
Cộng với sự cải tiến loại mực in có thể in được bằng máy in phun , nên dòng sản phẩm này trở nên rất đa dạng và cơ động về thiết kế, có thể in được với các loại vải tương thích:
- Áo thun in logo, in tràn thân, áo galaxy
- Dra & Drap, chăn ga gối nệm.
- Vải phi bóng hoa văn….
- Cờ lưu niệm, cờ giải
- Cờ treo khổ lớn.
- logo, bảng tên ép keo.
Đừng nhầm lẫn “In chuyển nhiệt” với “In ép nhiệt”
Vì sao? Vì hiện nay với xu thế phát triển công nghệ in đã có rất nhiều kiểu in nhiệt khác xuất hiện, bạn cần hiểu rõ đầu tiên là tên gọi và sau là nguyên lý để phân biệt:
- In chuyển nhiệt Submilation: là kiểu in được nói tới trong bài này nè! Phân biệt với yếu tố cơ bản nhất là “mực in chìm vào vải” như nhuộm màu.
- In ép nhiệt decal Spot Color: là một dạng decal màu như decal dán quảng cáo , được cắt hình bằng máy cắt decal, rồi ép nhiệt dính vào vải, loại này “Có gờ nổi” , và nguyên lý của nó là bám vào vải bằng keo nhiệt.
- In ép nhiệt decal in full color: là một dạng decal màu trắng, có thể in lên bằng máy in phun sử dụng mực Eco-Solvent hoặc Pigment (tùy thuộc vào loại decal nào hỗ trợ mực nào) với đầy đủ hình ảnh, rồi cũng sử dụng máy cắt decal có chức năng “bế” (cắt theo viền hình định vị), bám vào vải bằng keo nhiệt và “Có gờ nổi”
- In ép nhiệt PET -lụa : thông thường là tem mác áo, hoặc cũng có thể là hình in, được in hình và in keo nhiệt bằng phương pháp in lụa, rồi ép nhiệt qua vải, bám vào vải bằng keo nhiệt và “Có gờ nổi nhẹ”
- In ép PET DTF: toàn bộ các công đoạn thực hiện bằng máy, in hình – in lót trắng – rắc keo nhiệt , bám vào vải bằng keo nhiệt và “Có gờ nổi nhẹ”.
Lợi thế cạnh tranh
Tuy nhiên, ưu điểm sẽ luôn đi kèm nhược điểm đối với kỹ thuật in chuyển nhiệt Submialtion này :
Ưu điểm:
Đa phần những loại vải mà mực in lụa thông thường có có độ bám dính, hoặc phải bổ sung thêm nhiều phụ gia tăng bám để có độ bền bám tốt, thì mực in chuyển nhiệt này lại bám bền cực tốt : Vải phi bóng, vải nhung, vải thun lạnh thể thao, vải phi malaysia…..
Khả năng đáp ứng được đa dạng thiết kế: Với in chuyển nhiệt này thì chi phí của 1 mẫu in hay 1000 mẫu in không thay đổi, vì nó không bị khống chế bởi chế bản in như in lụa.
Nhược điểm
- Chỉ in được trên vải trắng hoặc vải sáng màu: Ngoài chuyện chỉ tương thích với các dòng vải pha sợi tổng hợp, thì kiểu in này không có màu trắng, nên nó yêu cầu nền vải phải trắng hoặc sáng màu, thì hình in mới nổi lên được.
- Độ tươi màu: Để thể hiện được tất cả các màu in có trên thiết kế, máy in sẽ pha trộn màu dựa vào 4 màu cơ bản CMYK, nên sẽ có giới hạn nhất định, các màu đặc trưng tươi sáng sẽ rất khó đạt được như in lụa.
- Hàng lỗi là bỏ: Mực in nhiệt một khi đã ép là không tẩy ra được, quy trình in phải kiểm tra bản in thật cẩn thật trước khi “Ép”, về cơ bản kiểu in nào cũng sẽ gặp trường hợp lỗi, riêng lỗi của ông này là “không thể cứu”.
- Tốn điện: Đúng rồi, để in ép nhiệt được thì nhiệt độ máy ép phải đạt đến 2000C, nên lượng nhiệt tỏa ra từ máy là liên tục trong quá trình in, và để duy trì nhiệt độ đó ổn định thì đốt điện không thể tránh khỏi rồi.
Vậy theo các bạn, In chuyển nhiệt – Heat tranfer Print có xứng danh là “Kẻ tội đồ hủy diệt In lụa” không?
Hey you!